Lịch sử Hạ_viện_Hoa_Kỳ

Dưới Những Điều khoản Liên hiệp, Quốc hội là một bộ phận độc viện quốc hội trong đó mỗi tiểu bang có một phiếu bầu. Sự vô hiệu quả của chính phủ liên bang dưới Những Điều khoản Liên hiệp đưa đến việc Quốc hội triệu tập một Hội nghị Hiến pháp năm 1787; tất cả các tiểu bang, trừ Rhode Island nhận lời gởi đại biểu đến dự họp. Vấn đề Quốc hội được thiết lập như thế nào là một trong những điều gây chia rẽ nhất đối với những người khai sinh ra Hoa Kỳ trong suốt đại hội. Kế hoạch Virginia của James Madison kêu gọi thành lập một quốc hội lưỡng viện: hạ viện sẽ là "của nhân dân", được trực tiếp bầu lên bởi người dân của Hoa Kỳ và đại diện cho ý kiến chung của cộng đồng, và một thượng viện thiên về bàn thảo hơn sẽ đại diện cho các tiểu bang thành viên, và sẽ ít bị các ý kiến khác nhau của dân chúng làm ảnh hưởng, sẽ được hạ viện bầu lên.

Hạ viện thường được xem là "lower house" trong khi thượng viện là "upper house" trong ngữ cảnh tiếng Anh của Hoa Kỳ mặc dù Hiến pháp Hoa Kỳ không có sử dụng ngôn ngữ như vậy để diễn tả. Sự chấp thuận của cả hai viện là cần thiết để thông qua một bộ luật. Kế hoạch Virginia được sự ủng hộ của các đại biểu từ các tiểu bang lớn như Virginia, Massachusetts, và Pennsylvania vì nó kêu gọi số đại biểu được tính theo tỉ lệ dân số. Tuy nhiên các tiểu bang nhỏ hơn thì thích Kế hoạch New Jersey vì nó kêu gọi thành lập một quốc hội độc viện trong đó số đại biểu cho từng tiểu bang là ngang nhau.

Sau cùng, đại hội đạt đến Thỏa hiệp Connecticut, hay Đại Thỏa hiệp, theo đó một viện của Quốc hội (viện dân biểu hay hạ viện) sẽ có số đại biểu được tính theo tỉ lệ dân số của mỗi tiểu bang trong khi viện khác (thượng viện) sẽ có số đại biểu bằng nhau cho mỗi tiểu bang. Hiến pháp được phê chuẩn theo quy định có số tiểu bang cần thiết (9 thuận trong 13 tổng số) vào năm 1788, nhưng việc thi hành được ấn định là vào ngày 4 tháng 3 năm 1789. Hạ viện bắt đầu làm việc lần đầu tiên vào ngày 1 tháng 4 năm 1789 khi nó đạt được đủ số lượng thành viên theo yêu cầu.

Trong suốt nữa đầu thế kỷ 19, Hạ viện luôn xung đột với Thượng viện về các vấn đề gây chia rẽ của các vùng, trong đó có chế độ nô lệ. Miền Bắc có dân số đông hơn miền Nam nhiều, và vì vậy chi phối Hạ viện. Tuy nhiên, miền Bắc không có lợi thế tại Thượng viện nơi có số đại biểu bằng nhau cho tất cả các tiểu bang.

Xung đột giữa các vùng trầm trọng nhất là về vấn đề liên quan đến chế độ nô lệ. Thí dụ một dự luật liên tục được Hạ viện thông qua nhưng vẫn bị Thượng viện ngăn cản đó là Dự luật Wilmot. Dự luật này được đưa ra nhằm nghiêm cấm chế độ nô lệ tại vùng đất chiếm được trong Chiến tranh Mexico-Mỹ. Xung đột về vấn đề chế độ nô lệ và những vấn đề khác kéo dài cho đến Nội chiến Hoa Kỳ (1861–1865) sau khi một số tiểu bang miền Nam tìm cách rút ly khai khỏi liên bang. Cuộc nội chiến kết thúc với sự bại trận của miền Nam và đưa đến việc bãi bỏ chế độ nô lệ. Vì tất cả các Thượng nghị sĩ miền Nam, trừ Andrew Johnson từ chức lúc bắt đầu xảy ra chiến tranh nên Thượng viện không có cán cân quyền lực giữa miền Nam và miền Bắc trong suốt nội chiến.

Những năm tái thiết theo sau đã chứng kiến được sự lớn mạnh và đa số của Đảng Cộng hòa vì có sự liên hệ đến sự chiến thắng của phe liên bang trong nội chiến. Thời kỳ tái thiết kết thúc vào năm 1877; thời đại tiếp theo, được gọi là "Gilded Age" (thời đại vàng), được đánh dấu bởi những sự chia rẽ chính trị trầm trọng tại quốc hội. Cả Đảng Dân chủĐảng Cộng hòa thay phiên nhau nắm đa số tại Hạ viện ở nhiều thời điểm khác nhau.

Đảng viên Cộng hòa Thomas Brackett Reed, thường hay bị gọi mỉa mai là "Sa hoàng Reed," là một dân biểu Hoa Kỳ từ tiểu bang Maine, và là Chủ tịch Hạ viện từ 1889–1891 và từ 1895–1899.

Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, có một sự gia tăng đáng kể quyền lực của Chủ tịch Hạ viện. Tầm ảnh hưởng của Chủ tịch Hạ viện nổi lên bắt đầu vào thập niên 1890 trong thời gian Đảng viên Cộng hòa Thomas Brackett Reed làm chủ tịch. "Sa hoàng Reed," như người ta gọi bí danh của ông như vậy, đã tìm cách tạo ảnh hưởng đối với quan điểm của ông rằng "Hệ thống tốt nhất là có một đảng cai trị và đảng kia theo dõi." Cơ cấu lãnh đạo của Hạ viện cũng được phát triển trong cùng thời kỳ này với các chức danh như Lãnh tụ đa sốLãnh tụ thiểu số được tạo ra vào năm 1899. Trong khi Lãnh tụ thiểu số là lãnh tụ của đảng thiểu số thì Lãnh tụ đa số vẫn là thuộc cấp của Chủ tịch Hạ viện. Vai trò của Chủ tịch Hạ viên đạt đỉnh cao trong nhiệm kỳ của đảng viên Cộng hòa Joseph Gurney Cannon, 1903 đến 1911. Quyền lực của Chủ tịch Hạ viện gồm có vai trò làm chủ tịch của Ủy ban Luật pháp đầy ảnh hưởng và khả năng bổ nhiệm các thành viên cho các ủy ban Hạ viện khác. Tuy nhiên những quyền lực này bị phong tỏa trong "cuộc cách mạng 1910" vì những nỗ lực của các đảng viên Dân chủ và các đảng viên bất mản thuộc Đảng Cộng hòa chống đối những chiến thuật được cho là quá mạnh tay của Cannon.

Đảng Dân chủ thống lĩnh Hạ viện trong thời Tổng thống Franklin D. Roosevelt (1933–1945), thường chiếm được 2/3 ghế trong Hạ viện. Cả Cộng hòa và Dân chủ thay phiên nhau nắm quyền ở các thời điểm khác nhau trong thập niên kế tiếp. Đảng Dân chủ duy trì nắm giữ Hạ viện từ năm 1954 đến năm 1995. Giữa thập niên 1970, có những cuộc cải cách lớn trong Hạ viện, tăng thêm quyền lực của các tiểu ủy ban (sub-committee) trong lúc giảm bớt quyền lực của chủ tịch ủy ban và cho phép các lãnh tụ đảng chỉ định các chủ tịch ủy ban. Những hành động này nhằm giảm quyền lực hệ thống cao cấp, và giảm khả năng của một số nhỏ các thành viên cao cấp cản trở các dự luật mà họ không thích.

Đảng Cộng hòa chiếm quyền kiểm soát Hạ viện năm 1995 dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich. Gingrich tìm cách thông qua một kế hoạch lập pháp lớn có tên là "Contract with America" (hợp đồng với nước Mỹ) mà nhờ vào đó Đảng Cộng hòa đã được bầu lên và chiếm đa số tại Hạ viện. Kế hoạch này đã tạo ra một số cải cách lớn tại Hạ viện, giảm thiểu đáng kể việc nắm giữ chức vụ của các chủ tịch ủy ban xuống còn 3 nhiệm kỳ hai năm. Nhiều chi tiết của "Hợp đồng với nước Mỹ" đã không được thông qua ở Quốc hội, bị Tổng thống Bill Clinton phủ quyết hoặc bị thay đổi rất nhiều trong lúc thương thảo với Clinton. Đảng Cộng hòa nắm giữ Hạ viện cho đến bầu cử quốc hội năm 2006 thì bị Đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện Hoa Kỳ. Nancy Pelosi sau đó được Hạ viện bầu làm nữ Chủ tịch Hạ viện đầu tiên.